Huawei rơi vào thế ‘thập diện mai phục’

05-23-2019 17:02:19 GMT+7
|

TheLEADERHàng loạt cái tên lớn của ngành công nghệ thế giới đã tuyên bố dừng cung cấp cũng như hợp tác với Huawei sau lệnh cấm của Mỹ.

 

Huawei rơi vào thế ‘thập diện mai phục’
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Công ty Panasonic của Nhật Bản mới đây cho biết sẽ ngừng cung cấp một số linh kiện cho gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc Huawei.

"Chúng tôi sẽ dừng tất cả giao dịch kinh doanh với Huawei và 68 chi nhánh theo lệnh cấm của Chính phủ Mỹ. Một hướng dẫn nội bộ yêu cầu thực hiện đầy đủ lệnh cấm trên đã được ban hành", AFP dẫn lời người phát ngôn Panasonic Joe Flynn.

Theo thông tin từ Nikkei, những sản phẩm bị ảnh hưởng khá hạn chế nên khó có tác động đáng kể lên doanh thu của nhà sản xuất Nhật Bản này.

Panasonic là một trong các đối tác cung cấp linh kiện trong các mẫu điện thoại thông minh (smartphone) của Huawei và một vài sản phẩm của họ lại sử dụng công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ.

Panasonic cho biết sẽ nghiên cứu, tìm hiểu xem liệu có sản phẩm nào khác nằm trong phạm vi tác động của lệnh cấm do Bộ Thương mại Mỹ áp lên Huawei hồi cuối tuần trước hay không.

Lệnh cấm này áp dụng với tất cả công nghệ của Mỹ và với những sản phẩm được sản xuất tại nước ngoài nhưng có hàm lượng công nghệ Mỹ vượt quá 25% tổng giá trị thị trường của sản phẩm đó.

Một cái tên khác đến từ Nhật Bản là Toshiba cũng có động thái tương tự nhằm tuân thủ những hạn chế mới từ Washington, theo AFP. Điều này ngày càng nối dài danh sách các công ty quay lưng với Huawei.

BBC cho biết hãng thiết kế vi xử lý ARM đã yêu cầu quan chức và nhân viên dừng mọi hoạt động hợp tác với Huawei, de dọa lớn tới mảng sản xuất và kinh doanh vi xử lý riêng của thương hiệu Trung Quốc này.

ARM đã yêu cầu nhân viên tạm dừng "tất cả mọi hợp đồng đang có hiệu lực, các quyền lợi hỗ trợ và bất kỳ ràng buộc nào" với Huawei.

Động thái mới này của Arm gây bất ngờ bởi đây là công ty đặt trụ sở tại Anh và thuộc quyền sở hữu của tập đoàn SoftBank (Nhật Bản).

Tuy nhiên, trên thực tế, ARM bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm do tồn tại bản ghi nhớ nội bộ ghi rõ thiết kế chip của hãng bao gồm các công nghệ đi kèm có tồn tại công nghệ xuất phát từ Mỹ.

Trước đó, Bloomberg dẫn tin cho biết các tập đoàn sản xuất chíp và thiết bị vi tính hàng đầu của Mỹ như Intel, Qualcomm, Xilin và Broadcom đã ngừng hợp tác và cung cấp các linh kiện, phần mềm quan trọng cho Huawei đến khi có thông báo tiếp theo.

Nhà sản xuất chip của Đức Infineon Technologies cũng đã dừng xuất xưởng sản phẩm của mình cho Huawei. Đây vốn là đối tác cung cấp các bộ vi điều khiển và các mạch tích hợp quản lý năng lượng cho Huawei.

Không chỉ vậy, Google cũng ngừng cấp phép sử dụng Android với Huawei, bao gồm việc chuyển giao các sản phẩm phần cứng và phần mềm, theo Reuters.

Gã khổng lồ Trung Quốc ngay lập tức mất quyền truy cập vào các bản cập nhật của hệ điều hành Android, tức sẽ không có bản cập nhật bảo mật Android nào cho các thiết bị của Huawei.

Ngoài ra, các điện thoại mới của Huawei cũng sẽ không được truy cập vào các ứng dụng và dịch vụ phổ biến, trong đó có kho phần mềm Google Play Store, ứng dụng Gmail và YouTube.

Các công ty nước ngoài sử dụng một lượng nhất định công nghệ Mỹ trong sản phẩm bán cho Huawei cũng phải chịu các hạn chế tương tự nếu không muốn chịu các hậu quả pháp lý từ phía Mỹ.

Hãng ST Microelectronics, một nhà sản xuất chip quan trọng khác của châu Âu, đang chuẩn bị tổ chức một cuộc họp trong tuần này để thảo luận về khả năng có tiếp tục cung cấp sản phẩm cho Huawei nữa hay không.

Hãng gia công chip quan trọng của Huawei tại châu Á, TSMC cũng có động thái tương tự.

Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei "Entity List" - danh sách những doanh nghiệp bị cấm mua linh kiện và công nghệ từ công ty Mỹ khi không có sự chấp thuận từ Chính phủ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã ký sắc lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông từ những nguồn được cho là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Sắc lệnh này viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) năm 1977, cho phép tổng thống có quyền điều chỉnh các hoạt động thương mại để đối phó với mối đe dọa khẩn cấp quốc gia.

Động thái trên diễn ra giữa bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất leo thang trở lại, đàm phán rơi vào bế tắc và không đem lại kết quả tích cực như kỳ vọng